Bờ sông Sài Gòn: vô giá!

Cập nhật: 2020-01-31 13:02:39

Gắn bó với Sài Gòn đến nay đã hơn 60 năm, KTS Cổ Văn Hậu cẩn thận căn dặn: “Ý kiến của tôi trước hết là ý kiến của một người Sài Gòn, sau đó mới là góp ý nghề nghiệp”.

Những điều chúng ta nói về cái được cho cảnh quan, cho môi trường, cho văn hóa, cho con người có thể không tính ra được bằng tiền mặt, nhưng cái lợi về kinh tế có thể tìm thấy ở chỗ khác, đừng đánh đổi bằng cách chiếm hữu con sông… 
KTS CỔ VĂN HẬU

Bù lại cái đã mất

Ngồi trên chiếc ghế kê trên vỉa hè bến Bạch Đằng, nhìn sang quảng trường đi bộ mới khánh thành, những tòa cao ốc cao ngất, KTS Cổ Văn Hậu bắt đầu với ký ức về Sài Gòn: “Hồi ấy bờ sông này trống tênh, gió lồng lộng. Chiều chiều, tan trường, tan hãng, mọi người đổ ra đây hóng mát, đi bộ. Bây giờ quá khác biệt. Phía đường phố thì mọc lên cao ốc, phía bờ sông thì mọc lên hàng rào, cổng bảo vệ, cây xanh thì bị chặt, mảng xanh dần mất, tầm mắt bị chặn bởi nhà cửa… Thành phố có vẻ ngoài hiện đại hơn thì người dân cũng mất mát, thiệt thòi nhiều. Bờ sông là đất vàng và cũng là “lỗ thở” của thành phố, chồng cao ốc lên thì được vàng, nhưng cái mất đi là không thể lấy lại được”.

Ghe tiến về phía cảng Khánh Hội. Nhìn vào những tàu, ghe vận tải cồng kềnh, những mảng bêtông, cầu cảng xù xì, khô khốc ven bờ, KTS Cổ Văn Hậu nói: “Các cảng Khánh Hội, Tân Cảng, Nhà máy Ba Son được di dời sẽ cho Sài Gòn một cơ hội vàng để bù lại những mảng xanh đã mất trong lòng thành phố. Không phải tất cả đều trồng hoa, trồng cỏ, nhưng tôi mong muốn những nhà quy hoạch, kiến trúc sẽ tính toán được tỉ lệ hợp lý giữa xây dựng và cảnh quan để bờ sông Sài Gòn phục vụ được cho người dân, thu hút được du khách. Cái lợi có thể không phải là trước mắt nhưng là vô giá với thành phố này”.

Cung đường bản sắc

Ghe vòng ngang qua Ba Son, những dãy nhà xưởng lợp ngói với kiểu kiến trúc Đông Dương trăm năm đứng trầm mặc. KTS Hồng Hạnh nói: “Rất cổ kính và rất đẹp. Vì những bức tường rào bên ngoài, không có mấy người Sài Gòn được biết những khu nhà này. Tôi mong đến ngày khu vực này trở thành những thảm cỏ xanh, những cây bóng mát. Các dãy nhà cổ nên được giữ lại, cải tạo thành điểm dừng chân, nơi triển lãm tranh ảnh, xưởng sáng tạo thanh thiếu niên, bán hàng lưu niệm, quán cà phê…”.

KTS Cổ Văn Hậu nhìn về những tòa cao ốc lừng lững như bức tường ven sông nối suốt từ quận 1 tới Bình Thạnh: “Nhìn từ sông vào hay nhìn từ trong phố ra, những tòa nhà này như tường chắn, khối hộp, choán đè lên các kiến trúc cổ còn sót lại. Khu nhà cổ Ba Son bên này, đình Thủ Thiêm bên kia sông nhất định phải được bảo tồn và giữ lại cả không gian thoáng đãng xung quanh. Giữa một bãi cỏ, dưới một bóng cây, mái ngói mới còn sự duyên dáng của nó. Có như vậy mới là bản sắc Sài Gòn”.

KTS Hồng Hạnh hào hứng với chủ đề bản sắc: “Hai bờ sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành một cung đường bản sắc của Sài Gòn với những cảnh quan, kiến trúc, sinh hoạt thân thuộc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người. Nắng nóng, chúng ta làm ra một quảng trường lát đá mênh mông, thiếu cây xanh, không có ô, khe trống để trồng cỏ, để thoát nước, giảm nhiệt tức là không có bản sắc”.

Theo KTS Hồng Hạnh, quanh các công viên cảnh quan chỉ là các trung tâm thương mại, cửa hàng, quán cà phê kiểu phương Tây cũng là không có bản sắc.

Nếu có vài ngôi quán hình nón lá, có những khu giải trí truyền thống như thả diều, quảng trường tổ chức lễ hội, có những bến sông với những con thuyền chở khách, bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương… thì bản sắc lập tức hiện ra, biến nét đặc trưng thành sản phẩm.

Sông và người

Nhìn đăm đăm trên mặt sông rồi hai bên bờ, KTS Cổ Văn Hậu trầm ngâm: “Tôi vẫn nghĩ con sông có ảnh hưởng lớn đến con người, ý thức, văn hóa. Những người lớn lên có ký ức về một con sông, ngọn núi quê hương sẽ sống có tình hơn người chỉ lớn lên với những đường phố đông đúc, những ngã tư kẹt xe.

Những người thường hò hẹn, gặp gỡ ở nơi gần gũi thiên nhiên như bờ sông, công viên sẽ có ý thức bảo vệ môi trường hơn người hay ra quán nhậu. Hiện tại, việc thuyết phục người dân giữ gìn môi trường, cảnh quan dường như quá khó khăn, có liên quan gì đến những bờ sông đã bị biến mất trong khoảng thời gian quá dài không?”.

KTS Hồng Hạnh cũng đồng tình: “Hiện tại, đứng từ bất kỳ đâu trong thành phố, nhìn về phía đường chân trời cũng là một đường nhấp nhô nhà cao tầng. Mọi cuộc trò chuyện, hò hẹn đều là ở quán cà phê, quán ăn, quán nhậu. Những đoạn bờ sông đẹp nhất đều bị tư nhân hóa. Các nhà cao tầng nhất được đặt để ở bờ sông, chắn mọi hướng tiếp cận đến sông của các nhà, các khu phố bên trong… Mà hướng tiếp cận đến sông là hướng vô giá. Từ từ, hiện trạng ấy ảnh hưởng đến chất lượng sống, đến cách ứng xử của người dân. Tầm nhìn bị thu hẹp đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến tâm tính, tình cảm con người”.

Bạn đang xem tại Văn phòng cho thuê quận 3.vn