Dành “đất vàng” làm không gian xanh đô thị

Cập nhật: 2020-01-31 13:02:39

Các thế hệ lãnh đạo trước chúng tôi đã ý thức sâu sắc rằng việc chấp nhận những lợi ích do đầu tư ngắn hạn mang lại hay chủ trương phát triển nhà cao tầng một cách dễ dãi chỉ có thể đem lại tiền nong lúc đầu cho ngân sách, nhưng cái giá phải trả vĩnh viễn là Quy Nhơn sẽ đánh mất bản sắc và không còn thu hút du khách khi ngành du lịch phát triển như bây giờ

Ông HỒ QUỐC DŨNG (chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)

Biển, cát vàng và thảm xanh

Đó là những nét phác thảo ban đầu của TP Quy Nhơn. Ông Vũ Hoàng Hà, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết ngay từ những năm cuối thập niên 1980, thế hệ lãnh đạo lúc đó đã sớm nhận ra rằng diện tích Quy Nhơn tuy nhỏ, chỉ khoảng 284km2, diện tích nội thành 1.000ha, trong khi núi non, đầm phá, ao hồ chiếm một diện tích lớn, vậy làm sao tận dụng những yếu tố tự nhiên đó thành lợi thế đặc thù để xây dựng Quy Nhơn trở thành một thành phố biển thơ mộng, êm đềm thu hút du lịch là một bài toán lớn.

“Các thế hệ lãnh đạo trước chúng tôi, thậm chí ngay sau khi giải phóng năm 1975, từ khu vực vốn là sân bay thời chiến họ đã sớm có tầm nhìn chiến lược phát triển lâu dài cho Quy Nhơn, trong số này có một số vị từng du học nước ngoài, có những cán bộ ngành xây dựng từng được đào tạo bài bản về quy hoạch kiến trúc đô thị.

Chính vì vậy, không gian xanh mênh mông giữa thành phố này suốt 20 năm qua dần hình thành, nối kết với bờ biển thoáng đãng nhìn ra vịnh Quy Nhơn thơ mộng đã bắt đầu từ đó. Và đấy chính là nền tảng quan trọng ban đầu làm tiền đề để các thế hệ lãnh đạo tiếp nối xây dựng nên chân dung đô thị Quy Nhơn rợp bóng xanh bên bờ biển thơ mộng, thoáng đãng và yên tĩnh đầy quyến rũ như ngày nay. Bây giờ chúng tôi có thể tự hào rằng mình đã góp sức trong hành trình kiến tạo ấy” – ông Vũ Hoàng Hà nói.

Để tô điểm cho không gian quảng trường dọc đường Nguyễn Tất Thành – An Dương Vương, lãnh đạo địa phương đã dành diện tích hàng hecta trồng cây xanh chạy song song phía bên kia đường nhằm tạo điểm nhấn cho nội ô thành phố.

Ông Hồ Quốc Dũng cho biết trong điều kiện mật độ dân cư tương đối cao của Quy Nhơn (15.000 – 18.000 người/km2) mà quyết định dành ra hơn 6ha làm quảng trường và trồng cây xanh trên vị trí đắc địa số một của thành phố là một quyết định dũng cảm của cả hệ thống chính trị và đoàn thể địa phương qua các nhiệm kỳ.

Điểm đến của các nhà khoa học trên thế giới

Sau khi khảo sát nhiều địa phương trong nước, giáo sư Việt kiều Pháp Trần Thanh Vân – nhà khoa học vật lý nổi tiếng, người sáng lập Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam – đã chọn Quy Nhơn để bắt tay xây dựng Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) khánh thành vào tháng 8-2013.

Ngoài ra, ngay sau đó giáo sư Trần Thanh Vân đã tổ chức Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam 9 với sự có mặt của năm nhà khoa học đoạt giải Nobel tại Quy Nhơn tham gia hội nghị quốc tế với chủ đề “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” thì Quy Nhơn đã trở thành một địa danh không còn xa lạ với thế giới bên ngoài.

Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ: “Tôi đã đến nhiều thành phố trong nước và cả châu Âu nữa, nhưng tôi và vợ tôi là giáo sư Kim Ngọc quyết định chọn Quy Nhơn để xây dựng ICISE. Chúng tôi đánh giá cao về tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Bình Định và TP Quy Nhơn. Tôi biết họ đã mất vài thập niên để kiến tạo nên thành phố thơ mộng này. Một thành phố biển hòa mình trong thiên nhiên xanh, có những quảng trường đẹp, bờ biển đẹp và yên tĩnh”.

Thật vậy, Quy Nhơn đang trở thành một điểm đến của du khách, của những nhà khoa học trẻ khắp hành tinh. Ước mơ biến Quy Nhơn thành một địa chỉ du lịch khoa học và văn hóa đang thành hiện thực.

Nha Trang đổi “đất vàng” xây trung tâm hành chính tỉnh

Theo quy hoạch (1/2000) đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, toàn bộ khu “đất vàng” 238,15ha thuộc khu vực đất sân bay Nha Trang hiện nay sẽ được chuyển sang xây dựng khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.

Trong đó, gồm 51,96ha dành cho khu hiệu bộ của Trường Sĩ quan không quân; còn 186,19ha xây dựng khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, bao gồm các công trình công cộng, dịch vụ hỗn hợp dọc tuyến đường chính là đường băng sân bay hiện tại cùng không gian công cộng, quảng trường.

Phần lớn diện tích đất sân bay Nha Trang tại khu đô thị vừa nêu được chuyển thành đất thương mại, dịch vụ và nhà ở như: biệt thự cao cấp, biệt thự du lịch, nhà vườn, nhà ở thương mại. Tầng ngầm tại khu trung tâm đô thị mới này cũng sẽ được khai thác làm đô thị ngầm, sử dụng cho các hoạt động công cộng, thương mại, dịch vụ. 

Theo quy hoạch trên, khu vực sân bay Nha Trang sẽ được chia thành các phân khu. Đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã phê duyệt và cho công bố quy hoạch chi tiết (1/500) phân khu 1 của khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang, chiếm 61,1ha.

Trong đó, ngoài 1,1ha đất giao thông khớp nối khu đô thị, diện tích còn lại được dành cho các công trình công cộng 1,23ha, giáo dục 3,79ha, công viên cây xanh, vườn hoa, thể dục thể thao 5,25ha, đất giao thông 22,97ha và phần lớn đất sân bay khu này sẽ dành xây dựng nhà ở các loại…

 Tỉnh Khánh Hòa cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin thực hiện đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính tỉnh ở phía tây đường Lê Hồng Phong, có diện tích khoảng 126ha với tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỉ đồng.

Dự án này được đề nghị thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư để xây dựng. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn trả vốn cho nhà đầu tư bằng cách giao quỹ đất của các trụ sở cơ quan hành chính đã di dời và giao cho nhà đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh quỹ đất tại sân bay Nha Trang.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến “đồng ý về nguyên tắc” áp dụng hình thức hợp đồng BT để thực hiện dự án khu trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa.

Bạn đang xem tại Văn phòng cho thuê quận 3.vn