Phải có kịch bản quy hoạch sông Sài Gòn

Cập nhật: 2020-01-31 13:02:39

Trước hết phải nhận thức rõ sông Sài Gòn có giá trị lịch sử, truyền thống và ý nghĩa nhân văn rất lớn đối với người dân TP.HCM, tên sông cũng chính là tên của TP trước đây. Cũng chính vì lẽ đó trong những quy hoạch trước đây, từ những năm 1990-1991 và quy hoạch gần đây nhất được Thủ tướng phê duyệt thì sông Sài Gòn vẫn là trục bố cục tổ chức cảnh quan chính của TP.HCM.

Ngoài việc phải tuân theo quy hoạch chung đã được phê duyệt của TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050, phải nhận thức rõ được giá trị của sông Sài Gòn khi làm quy hoạch.

Trên thế giới, các thành phố lớn của nhiều nước phát triển như Nga, Pháp, Ý, Úc, Anh đều có các con sông là điểm nhấn tạo nên văn hóa và bộ mặt đô thị. Trong khi tại Việt Nam những con sông làm nên cảnh quan của thành phố chưa nhiều, chỉ mới có sông Hàn tại Đà Nẵng là nổi trội hơn cả.

Sông Sài Gòn có một lợi thế và cũng là giá trị khai thác rất lớn đó là trải dài quanh thành phố hàng chục cây số, nước chảy hiền hòa, độ sâu đảm bảo. Tất cả hội lại thành các điều kiện lý tưởng để phát triển cảnh quan ven sông. Thêm nữa, dòng chảy của sông cũng uốn lượn trên không gian đô thị cho thấy sự ưu ái kỳ diệu của thiên nhiên. 

Đơn cử như sông chảy uốn lượn qua bán đảo Thanh Đa, sau đó tiếp tục uốn lượn tạo thành bán đảo Thủ Thiêm, rồi nữa về cuối thì vây quanh Khu chế xuất Tân Thuận rồi đổ về khu Nhà Bè. Sông không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn tạo nên những phân khu chức năng một cách rất tự nhiên cho thành phố. Khi chảy qua Thanh Đa, sông tạo ra khu du lịch nghỉ mát, tiếp đó từ cầu Sài Gòn qua bán đảo Thủ Thiêm chảy đến hầm Thủ Thiêm, sông tạo ra không gian đô thị sầm uất giữa hai bờ sông. Xuôi xuống gần cuối của dòng chảy thì tạo ra những khu dịch vụ về cảng, khu công nghiệp…

Do đó, trong quy hoạch cần tạo ra các kịch bản cho sông, kịch bản này phải xuyên suốt từ thượng nguồn tới hạ nguồn của sông. Theo đó, phân khu thứ nhất xuất phát ở thượng nguồn sông từ Củ Chi đi xuống phải giữ gìn được cảnh quan theo hướng nguyên sơ tự nhiên, truyền thống.

Bắt đầu tới bán đảo Thanh Đa trở xuống thì có bàn tay của quy hoạch để tạo nên phân khu hai với những công trình kiến trúc, cảnh quan hai bên bờ để phát triển du lịch. Nhưng lưu ý, tại đây không được xây dựng công trình kiên cố hay mật độ dày đặc mà cần đảm bảo sự thông thoáng của không gian tự nhiên, không xâm hại đến sông.

Ở phân khu thứ ba, bắt đầu từ cầu Sài Gòn đi qua cầu Thủ Thiêm và quảng trường Trần Hưng Đạo là trung tâm tài chính dịch vụ thương mại tốt nhất. Đoạn cuối cùng chảy ra sông Đồng Nai, nơi giáp ranh Khu chế xuất Tân Thuận là khu dịch vụ hậu cần cảng biển, vận tải biển, khu chế xuất…

Dù việc phát triển kinh tế, phát triển đô thị là điều bắt buộc và là quy luật, tuy nhiên điều phải giữ là giá trị của dòng sông và quyền làm chủ của Nhà nước. Không thể đánh mất quyền làm chủ khi không có kịch bản quy hoạch, cứ giao đất cho các doanh nghiệp để họ toàn quyền xây dựng theo nhu cầu kinh doanh của họ.

Nhà chức trách cũng cần nhận thức rõ sông là sản phẩm của tự nhiên, không gian ven sông là tài sản sở hữu, là lợi ích công cộng, nên trong quy hoạch phải luôn nhớ để bố trí không gian cho sinh hoạt, vui chơi, giải trí công cộng của người dân. Mọi bài toán về quy hoạch xây dựng phải hết sức cẩn trọng. Nếu làm sai là không sửa được vì sông là tự nhiên, không phải như công trình muốn xây xong rồi đập đi cũng được.

Cần tạo ra một khu vực cảnh quan đẹp nhất Việt Nam

Từ năm 2007, nhà tư vấn Nikken Sekkei của Nhật Bản đưa ra ý tưởng làm hầm chui ở tuyến đường Tôn Đức Thắng, chuyển phần đất giao thông hiện hữu và kết hợp với phần mặt bằng của trục đường dài khoảng 1.100m, chiều rộng 55m tính từ vỉa hè của dãy phố nhìn quay mặt ra sông tới sát bờ sông trở thành một công viên bờ sông, kết hợp với dải công viên đối diện phía Thủ Thiêm sẽ tạo ra một khu vực cảnh quan đẹp nhất Việt Nam. Ngoài ra, Nikken Sekkei còn có tham vọng kéo dài trục cảnh quan này sang bờ sông Khánh Hội tạo nên một “vành đai sinh thái”.

Vào thời điểm năm 2007, mọi người thấy có vẻ ý tưởng này phiêu lưu và xa vời nên không quan tâm lắm, nhưng sau khi đường Nguyễn Huệ trở thành quảng trường đi bộ được khánh thành thì nhu cầu hình thành một khu vực cảnh quan mỹ thuật là rất cấp bách và hiện thực.

Những ai đi bộ trên trục đường Nguyễn Huệ vào buổi tối sau khi khánh thành, bắt đầu từ vòng xoay Cây Liễu cũ đến điểm kết là điểm giao nhau với đường Tôn Đức Thắng sẽ thấy bị hẫng và khó chịu, vì quảng trường đi bộ vốn đang thông thoáng nay bị bịt lại bằng đường cắt ngang Tôn Đức Thắng với các dòng xe chạy ào ào và dày đặc. Lúc này đường Nguyễn Huệ trở thành một đoạn ống bị chặn hai đầu, rõ ràng việc nối thông từ quảng trường đi bộ sang không gian bờ sông bằng một dải công viên, cây xanh, tượng đài không chỉ là nhu cầu mà còn là điểm nhấn cần thiết của một thành phố chật chội, quá đông dân. 

Một khi dải cảnh quan này hình thành thì thành phố có một mặt tiền hướng ra sông đón gió, tạo tầm nhìn ra và cả tầm nhìn vào từ ngoài sông. Bản thân các công trình xây dựng trên trục đường Tôn Đức Thắng hiện hữu đã có giá trị, nó là sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại.

Các công trình kiến trúc giá trị mang phong cách Pháp như cột cờ Thủ Ngữ, trụ sở hải quan, khách sạn Majestic, khách sạn Riverside, Bảo tàng Tôn Đức Thắng chen lẫn một cách hài hòa với các công trình xây mới như khách sạn Legend, cao ốc văn phòng. Các phần khác hiện diện trên trục đường này cũng rất đẹp như tượng đài Trần Hưng Đạo, hàng súng thần công, mỏ neo cổ xưa, các tiểu đảo xanh… Đặc biệt nhất là khúc bờ sông rất thẳng, sóng êm, hoàn toàn tạo ra được các âu thuyền du lịch.

Với tất cả những gì đang có chỉ cần chỉnh trang lại, bổ sung cây xanh, thảm cỏ, tượng đài trang trí, đài phun nước, đèn nghệ thuật thì chắc chắn đây sẽ là khu vực hấp dẫn nhất của thành phố đối với du khách.

Không chỉ đối với bến Bạch Đằng mà ở Việt Nam, nếu các dải đất sát biển ở TP Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu (bãi Sau) đưa được giao thông xuống đất, lên tầng cao hay chuyển sang hướng khác, biến chúng thành công viên, vườn dạo thì sẽ làm các thành phố biển trở nên hấp dẫn lạ thường chứ không bị đai nẹp lại bởi trục đường sát biển làm đơn điệu và khô cứng như hiện nay.

Tuy nhiên, để làm được điều này trước nhất phải có một tầm nhìn xa, một quyết tâm chính trị mãnh liệt và một khoản đầu tư không nhỏ, nhưng đổi lại sẽ nhận được những giá trị lớn mà các thế hệ con cháu khai thác mãi không bao giờ cạn.

NGUYỄN MINH HÒA

Bạn đang xem tại Văn phòng cho thuê quận 3.vn