Thư viện
Thông tư số 03: Khắc phục tình trạng chào thầu “mập mờ”
Cập nhật: 2020-01-31 13:02:39
Điểm mới rất đáng chú ý trong Thông tư 03 mới ban hành là quy định về giá dự thầu. Trong các Mẫu hồ sơ mời thầu có quy định trường hợp tại cột “đơn giá dự thầu” và cột “thành tiền” nhà thầu không ghi giá trị hoặc ghi là “0” thì được coi là nhà thầu đã phân bổ giá của công việc này vào các công việc khác thuộc gói thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm thực hiện hoàn thành các công việc này theo đúng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu và không được chủ đầu tư thanh toán trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Trong thực tế đã xảy ra tình trạng thông đồng giữa nhà thầu với bên mời thầu, chủ đầu tư.
Khi tham dự thầu, nhà thầu cố tình không ghi giá trị chào thầu cho một hạng mục nào đó (hạng mục A), trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, nếu giá dự thầu của nhà thầu này sau khi cộng với giá trị của hạng mục A vẫn là thấp nhất, thì bên mời thầu sẽ coi đây là sai lệch thiếu và tiến hành hiệu chỉnh sai lệch cho nhà thầu (bù thêm chi phí cho nhà thầu); trường hợp nếu cộng thêm giá trị của hạng mục A, thì giá dự thầu của nhà thầu này không phải là thấp nhất, khi đó, bên mời thầu lại không coi là sai lệch thiếu, mà vẫn tiến hành đánh giá một cách bình thường.
Sau khi nhà thầu này được công nhận trúng thầu và ký hợp đồng, chủ đầu tư sẽ tiến hành điều chỉnh, bổ sung chi phí cho nhà thầu.
Trường hợp khác, như trường hợp của nhà thầu Trung Quốc, dù năng lực yếu nhưng vẫn thắng nhiều gói thầu lớn ở Việt Nam. Sở dĩ có tình trạng trên là do trong thời gian dài vừa qua Việt Nam đã đặt yếu tố giá rẻ lên hàng đầu.
Lợi dụng kẽ hở này, các nhà thầu Trung Quốc tìm mọi cách vẽ ra “hồ sơ đẹp” với giá bỏ thầu thấp hơn từ 20 – 25% để trúng thầu. Tuy nhiên sau đó họ lại tìm lý do trì hoãn thực hiện để buộc chủ đầu tư tăng giá bù vào khoản giảm giá khi bỏ thầu. Do đó, giá thực của gói thầu không phải đã giảm được 20 – 25% mà đó chỉ là thủ đoạn để họ thắng thầu.
Bước tiếp theo các nhà thầu Trung Quốc sẽ đưa chủ đầu tư vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không bổ sung vốn thì dự án không thể hoàn thành đưa vào sử dụng. Còn nếu muốn thanh lý hợp đồng, trong trường hợp khối lượng công việc đang dở dang thì là cả một bài toán đầu tư khó giải quyết.
Như vậy, quy định mới nêu trên sẽ góp phần khắc phục được tình trạng chào thầu “mập mờ” để được trúng thầu và hạn chế, loại bỏ những nhà thầu yếu kém.
Thông tư số 03 được chờ đợi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp; tạo sự thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu, tăng cường hơn nữa tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.
Nó chứa đựng những quy định mang tính đột phá trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, thể hiện được sự rõ ràng, minh bạch và chặt chẽ như vốn nó phải có. Điều này được thể hiện qua sự tín nhiệm của ADB và WB. Lần đầu tiên trong lịch sử ADB và WB sẽ áp dụng thống nhất Mẫu hồ sơ mời thầu bằng tiếng Việt cho tất cả các dự án sử dụng vốn vay của ADB, WB.
Để Luật Đấu thầu 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đi vào cuộc sống, các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cần hiểu và nắm bắt rõ tất cả quy định mới của pháp luật về đấu thầu, và tất nhiên không thể bỏ qua Thông tư này.
DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư
Bình luận